Mục tiêu lớn vực dậy nền kinh tế
Thông tin được hé lộ trong một cuộc phỏng vấn mới đây của báo Nikkei Asiavới bà Krithpaka Boonfueng,ọngđổimớisángtạocủaThásbotop Giám đốc Cơ quan Đổi mới quốc gia (NIA) của Thái Lan. "Chúng tôi sẽ tăng số lượng các công ty đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất của nền kinh tế Thái Lan", bà Krithpaka cho biết.
Kế hoạch của quốc gia này sẽ được triển khai trong 4 năm, bắt đầu từ năm 2024, với mục tiêu mở rộng số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm các startup. Chính phủ Thái Lan dự định cung cấp 5 tỉ baht (khoảng 3.400 tỉ đồng) cho các khoản tài trợ và quỹ đầu tư của NIA trong 4 năm tới, gấp đôi số tiền được phân bổ trong 4 năm trước đó. Nguồn vốn sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, du lịch, sức mạnh mềm và năng lượng, bao gồm xe điện. Kế hoạch kêu gọi hỗ trợ hơn 1.500 dự án mới.
Thái Lan "đặt mục tiêu trở thành 1 trong 30 quốc gia hàng đầu thế giới về đổi mới công nghệ vào năm 2030" thông qua các biện pháp này, theo bà Krithpaka. Thái Lan hiện đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Hồi tháng 7, bà Krithpaka từng cho biết việc phát triển thêm 10.000 startup, với lực lượng lao động dự kiến lên đến 15.000 người, bên cạnh 5.000 startup hiện có là một trong 7 chiến lược của NIA để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Thái Lan, theo báo Bangkok Post. Qua đó, NIA muốn tạo ra tác động kinh tế trị giá 20 tỉ baht trong các lĩnh vực trọng điểm của đổi mới sáng tạo. Cũng theo bà Krithpaka, NIA sẽ tập trung vào việc loại bỏ các rào cản về khả năng tiếp cận và sửa đổi những quy định có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Trì hoãn phát tiền
Sau khi nhậm chức hồi tháng 8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã công bố nhiều biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế đang trì trệ, bao gồm kế hoạch phát cho mỗi người dân từ 16 tuổi trở lên 10.000 baht (khoảng 6,8 triệu đồng) thông qua ví điện tử. Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa, qua đó giúp kinh tế tăng trưởng.
Song kế hoạch - ước tính tiêu tốn ngân sách 548 tỉ baht - đã vấp phải chỉ trích vì những rủi ro đối với nền kinh tế Thái Lan trong thời điểm nợ công đang thách thức giới hạn cho phép. Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Julapun Amornvivat thông báo chính phủ sẽ lùi lại ngày dự kiến bắt đầu phát tiền (thông báo trước đó là 1.2.2024) vì cần thêm thời gian để phát triển hệ thống bảo mật, theo Bangkok Post. Dù vậy, ông cam đoan chương trình sẽ được triển khai trong quý 1 năm sau, ngay cả khi nguồn huy động tiền hiện vẫn là vấn đề nan giải.
Lắng nghe người nghèo
Hồi đầu tháng này, 99 nhà kinh tế từ các trường đại học hàng đầu Thái Lan, bao gồm cả cựu thống đốc ngân hàng nhà nước, đã gửi thỉnh nguyện thư chung tới Thủ tướng Srettha để phản đối kế hoạch phát tiền và yêu cầu chính phủ xem lại dự án. Song ông Srettha đã lên tiếng bảo vệ kế hoạch. "Có những nhà kinh tế đã bày tỏ quan ngại về chính sách này và tôi đang lắng nghe những gì họ nói. Tuy nhiên, có hàng triệu người nói rằng họ thực sự cần số tiền đó và tôi cũng phải lắng nghe họ, đặc biệt là tiếng nói của người nghèo", ông nói trong một cuộc họp báo, theo Nikkei Asia.